Monday, June 22, 2015

Tuổi nào ăn hào cũng khỏe

Hào là một loại hải sản rất có giá trị vì không chỉ được chế biến thành những món ăn khoái khẩu mà còn cung cấp cho cơ thể vô số chất dinh dưỡng và khoáng tố.
Thịt hào chứa nhiều khoáng tố, các vitamin và hợp chất hữu cơ. Trong đó, thịt hào chứa nhiều loại khoáng tố hơn bất kỳ loại thực phẩm nào, cụ thể là kẽm. Những thành phần khác cũng có nhiều ở hào là protein, vitamin D, vitamin B12, sắt, đồng, selenium.
Hào có thành phần chất dinh dưỡng “đáng nể” - Ảnh shutterstock
Ngoài ra, hào còn chứa một hàm lượng đáng kể vitamin B1, B2, B3, vitamin C, phốt pho, kali. Cuối cùng, cũng phải kể đến hàm lượng “khủng” các acid béo omega-3, các chất kháng ôxy hóa, cholesterol tốt, nước… Với thành phần chất dinh dưỡng “đáng nể” như thế, hào là một món ăn cực kỳ tốt đối với cơ thể, thể hiện qua những tác động dưới đây:
  • Tăng “bản lĩnh” đàn ông
Hào có khả năng làm tăng khoái cảm, tăng khả năng tình dục, chủ yếu là ở nam giới. Do hàm lượng kẽm cao đến không ngờ nên thịt hào được cho là người gác cửa hạnh phúc gia đình. Thiếu kẽm được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nhược dương hoặc rối loạn cương dương. Vì thế, hào giúp đàn ông lấy lại phong độ và tự tin.
  • Sửa chữa, tái tạo mô
Protein là một trong những thành phần vô cùng quan trọng và thiết yếu đối với cơ thể con người. Thịt hào chứa hàm lượng protein cao. Protein của hào khi vào cơ thể được phân giải bởi những hoạt động của các enzym và sẽ được tái cấu trúc thành những loại protein cần thiết cho từng bộ phận bên trong, giúp cơ thể thực hiện các hoạt động chuyển hóa, sửa chữa, tái tạo mô, giúp tăng trưởng tế bào, tăng cường cơ bắp và rất nhiều tác động có lợi khác.
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch
hào tác động tích cực lên sức khỏe tim mạch bằng nhiều cách khác nhau nhưng cơ bản là do có hàm lượng cao axít béo omega-3. Chất này được xem là một dạng “cholesterol tốt”. Do giá trị của tỉ lệ cholesterol tốt/cholesterol xấu cao nên thịt hào có lợi cho tim mạch, có thể làm giảm hàm lượng và ức chế “cholesterol xấu” trong máu, không cho chúng đu bám vào thành mạch máu, nhờ đó làm giảm nguy cơ xơ vữa mạch máu. Do chứa hàm lượng cao các chất kali và magiê nên hào có tác dụng làm giảm huyết áp, giúp mạch máu thư giãn, tăng tuần hoàn máu. Lượng vitamin E cao trong thịt hào còn giúp tăng cường và củng cố màng tế bào, nhờ vậy có thêm tác dụng bảo vệ tim mạch.
  • Làm vết thương mau lành
Do chứa nhiều kẽm nên thịt hào có tác dụng làm vết thương mau lành. Mặt khác, khi có vết thương, chất kẽm này sẽ giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để đủ sức chống chọi với sự xâm nhập của các vi khuẩn, chống lại sự nhiễm trùng.
  • Thúc đẩy tuần hoàn máu
Thịt hào chứa hàm lượng sắt cao, mà sắt là thành phần quan trọng trong việc kiến tạo hồng huyết cầu, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng thiếu máu vốn luôn gây ra sự mệt mỏi, rối loạn nhận thức, các vấn đề về dạ dày, yếu cơ… Nhờ sự cung cấp máu đầy đủ cho hệ tuần hoàn, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
  • Giảm nguy cơ loãng xương
Các khoáng tố như canxi, phốt pho, kẽm, sắt, đồng, selenium có trong hào sẽ giúp làm tăng tỉ trọng và độ bền của xương, nhờ đó giảm bớt nguy cơ bị loãng xương.
  • Nâng cao sức đề kháng
Do chứa hàm lượng cao vitamin C, vitamin E cũng như các loại khoáng tố có tính kháng ôxy hóa và kháng viêm cao nên thịt hào có tác dụng giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và các sản phẩm phụ trong quá trình chuyển hóa. Cần nói thêm rằng các gốc tự do nguy hiểm ở chỗ chúng sẽ tấn công vào tế bào và làm biến đổi DNA. Gốc tự do còn góp phần gây ra bệnh tim mạch, lão hóa…

Hạn chế ăn sống, tái
Do hào tiêu thụ nguồn thức ăn ở những khu vực khác nhau nên khó tránh khỏi tình trạng bị ô nhiễm và chứa độc chất. Vì vậy, chỉ nên mua hào ở những cửa hàng hải sản có uy tín.
Mặt khác, hàm lượng khoáng tố cao có trong hào - nhất là sắt, kẽm và đồng - nếu lạm dụng sẽ không có lợi, thậm chí ngộ độc. Cần tránh hoặc hạn chế ăn hào sống hay tái vì chúng có thể mang trong mình những ký sinh trùng gây bệnh.

Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường - Báo Người Lao Động

0 comments:

Post a Comment